G20 "biến chất" G0

Khi cuộc khủng hoảng tài chính dần lùi vào dĩ vãng, G20 đang tiến tới đường cùng của việc có cũng được, không có cũng chẳng sao. Ngày càng có những bằng chứng cho thấy G20 đang ngày một chia rẽ do chính phủ nào cũng ưu tiên bảo vệ quyền lợi của nước họ, và chỉ xem những mục tiêu chung như hàng thứ cấp.

Trò chơi tổng bất biến

Không có gì mới về tình trạng thiếu hợp tác và hục hặc ở G20. 4 thập kỷ sau Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NNT), các thế lực lớn vẫn không nhất trí làm thế nào để xây dựng và duy trì một cơ chế hiệu quả để có thể ngăn chặn việc phổ biết thứ vũ khí và kỹ thuật nguy hiểm nhất hành tinh này. Thực tế chính sách phòng vệ toàn cầu về cơ bản luôn giống như một trò chơi tổng bất biến (zero-sum), khi một nước hoặc một khối các nước tối đa hóa khả năng quốc phòng của họ thì đối phương của họ sẽ bị đe dọa về quân sự.

Thương mại quốc tế lại là một trò chơi khác. Tuy mậu dịch có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên nhưng những phân khúc về lợi ích kinh tế trước chấn động của cuộc khủng hoảng tài chính đã gây tổn hại sự hợp tác kinh tế toàn cầu. Trong quá khứ, kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào một quốc gia mạnh nhất – Anh ở thế kỉ XVIII, XĨ và Hoa Kỳ ở thế kỉ XX – để thiết lập một khung an ninh cần thiết cho thị trường tự do, mậu dịch tự do và lưu động vốn. Nhưng sự kết hợp giữa sự suy giảm vị thế quốc tế của Washington và những bất đồng chính sách sâu sắc đã tạo ra một lỗ hổng lãnh đạo quốc tế vào thời điểm hiện tại, khi điều đó là cần thiết.

Trong 20 năm vừa qua, cho dù mỗi nước có những vấn đề an ninh khác nhau, chính phủ các nước phát triển và đang phát triển chính trên thế giới vẫn có chung những mục tiêu kinh tế. Tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ cho phép người tiêu dùng phương Tây tiếp cận được với những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới và giúp các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cũng như châu Âu kiểm soát được lạm phát thông qua hoạt động nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn. Đổi lại, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản giúp các nền kinh tế đang phát triển tạo ra công ăn việc làm bằng cách mua một lượng lớn hàng xuất khẩu của họ và duy trì sự ổn định chính trị quốc tế.

Nhưng trong 20 năm tới, các cuộc đàm phán về kinh tế và mậu dịch có thể sẽ mang tính cạnh tranh cao giống như những tranh cãi hiện nay xung quanh vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và thay đổi khí hậu. Các vòng đàm phán ở Doha gần như đã chết, và WTO không thể ngăn chặn xu hướng bảo hộ gia tăng cùng với sự chững lại của kinh tế toàn cầu. Những xung đột quanh tự do hóa mậu dịch gần đây đã chia rẽ Hoa Kỳ, EU, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và những nền kinh tế mới nổi khác khi các chính phủ chỉ chăm chăm tìm cách bảo vệ chính thị trường lao động và các ngành công nghiệp trong nước họ, thường đi cùng với những biện pháp gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà chức trách ở nhiều nước châu Âu phàn nàn rằng thuế doanh nghiệp ở Ireland quá thấp và vào năm ngoái đã thúc ép chính phủ nước này phải chấp nhận một chương trình ứng cứu cần nhưng không muốn. Các cử tri ở Đức đang càu nhàu về việc chính phủ của họ cứ đi ứng cứu hết nước này tới nước khác ở châu Âu, hay công dân tại các nước Nam Âu chỉ trích chính phủ vì không tiếp tục chi tiêu bình thường cho các dịch vụ công cộng và an sinh xã hội.

Đấu đá

Trước khi cuộc họp thượng đỉnh G20 diễn ra ở Seoul hồi tháng 11 năm 2010, các nhà chức trách Ấn Độ và Brazil hùa với những người đồng nhiệm ở Hoa Kỳ và châu Âu lên án Trung Quốc thao túng giá trị đồng NDT. Nhưng khi Hoa Kỳ đưa vấn đề ra trước hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Brazil lại lên án Hoa Kỳ đã dùng biện pháp "nới lỏng định lượng" (bơm tiền) quá nhiều, và Ngoại trưởng Đức chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ là "ngờ nghệch". Những bất đồng khác bao gồm tranh cãi xung quanh các khoản trợ cấp cho nông dân ở Hoa Kỳ và châu Âu, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và thuế chống phá giá,... Quan ngại xung quanh các quỹ đầu tư quốc gia đã giới hạn khả năng nắm những vị trí kiểm soát của các quỹ này trong những công ty phương Tây, mà đa phần ở Hoa Kỳ. Và cuộc chạy đua của Trung Quốc trong việc tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên dài hạn ở nước ngoài như châu Phi, Mỹ Latin và nhiều nơi khác ở thế giới mới nổi càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa nước này với Hoa Kỳ.

Chủ nghĩa bảo hộ tài chính và tài sản cũng đang gia tăng. Một công ty dầu mỏ thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã cố mua lại công ty năng lượng Hoa Kỳ Unocal năm 2005, và 1 năm sau, tập đoàn quốc doanh Dubai Ports World cố mua lại một công ty có thể cho họ hoạt động ở một số cảng biển Hoa Kỳ. Những vụ mua lại này đều khiến các nhà chính trị ở Washington khó chịu. Điều đó đơn giản vì các công ty Hoa Kỳ từng vấp phải những hoạt động giới hạn đầu tư tương tự tại châu Âu và châu Á. Trong thực tế, hầu như không có định nghĩa quốc tế cụ thể cho những thứ gọi là "hạ tầng thiết yếu" – những loại tài sản mà các chính phủ thường ngăn chặn đầu tư từ bên ngoài – và đây sẽ là một vấn đề chính trị không thể gỡ bỏ thành công trong một tương lai gần.

Vấn đề nảy sinh nhiều mâu thuẫn quốc tế nhất là việc làm thế nào để bảo đảm một sự tan chảy kinh tế toàn cầu không bao giờ xảy ra nữa. Sự ổn định tài chính và tiền tệ trong tương lai đòi hỏi một sự hợp tác lớn hơn nhiều đối với vấn đề luật định và kiểm soát hệ thống tài chính. Cuối cùng, có lẽ cần đến một cơ quan siêu giám sát toàn cầu. Nhưng vẫn còn những bất đồng sâu sắc xung quanh các vấn đề này. Chính phủ nhiều nước đang phát triển sợ rằng thiết lập một khung luật định quốc tế khắt khe hơn đối với các công ty tài chính sẽ khiến họ dính chặt hơn với hệ thống tài chính của các nền kinh tế phương Tây mà họ tin rằng đã tạo ra cuộc khủng hoảng hiện tại. Giữa các nền kinh tế phát triển cũng có những bất đồng lớn về việc làm sao cải tổ hệ thống luật định và giám sát các định chế tài chính.